Chần thịt lợn qua nước sôi có thực sự tốt cho sức khỏe? Chuyên gia trả lời khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ

 Chần thịt với nước sôi có thực sự giúp loại bỏ độc tố tốt hơn hay không? Câu trả lời sau đây sẽ khiến nhiều người bất ngờ.


Thịt lợn không chỉ là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của hầu hết gia đình Việt Nam mà còn chứa giá trị dinh dưỡng cao. Đây là nguồn thực phẩm cung cấp đa dạng các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, vì vậy, nhiều gia đình thường ưu tiên chế biến món ăn từ thịt lợn.

Thịt lợn cung cấp đầy đủ các axit amin thiết yếu cho cơ thể. Trong mỗi 100g thịt lợn, có thể tìm thấy 5.751mg histidine, 6.189mg isoleucine, 10.387mg leucine, 3.469mg methionine, 5.122mg phenylalanine, 5.171mg threonine, 1.212mg tryptophan và 11.482mg lysine.

Ngoài ra, thịt lợn còn chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng như phốt pho, kali, niacin, vitamin B6, B12, kẽm... Đặc biệt, nhóm vitamin B trong thịt lợn là nguồn cung cấp chính từ thực phẩm, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hồng cầu, duy trì chức năng thận, tổng hợp axit béo và hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng.

Tuy thịt lợn có nhiều dưỡng chất đối với sức khỏe nhưng làm thế nào để sơ chế và chế biến đúng cách? Nhiều người nội trợ đã tận dụng nước sôi để chần thịt trước khi chế biến với hi vọng sẽ loại bỏ được các độc tố có trong thịt. Trên thực tế, điều này có đúng hay không?

Có nên chần thịt qua nước sôi trước khi chế biến?

Trong việc đảm bảo bữa ăn ngon và an toàn, người nội trợ thường rất kỹ lưỡng trong khâu chọn lựa thực phẩm sạch. Nhiều người cho rằng việc chần thịt lợn bằng nước sôi trước khi nấu sẽ giúp loại bỏ các chất độc hại và vi khuẩn. Họ tin rằng nước sôi với nhiệt độ cao có thể tiêu diệt virus và vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cách làm này không chỉ không hiệu quả trong việc loại bỏ độc tố hay chất bẩn mà còn có thể gây hại cho sức khỏe.


Nguyên nhân là vì thịt lợn chứa chủ yếu protein, chất béo cùng các vitamin và axit amin tập trung trong tế bào cơ. Khi chần thịt chưa rửa sạch qua nước sôi, nhiệt độ cao khiến các thớ thịt bên ngoài co lại, ngăn cản chất bẩn thoát ra ngoài, thậm chí còn khiến các tạp chất bị hấp thụ ngược trở lại vào bên trong miếng thịt.

Muốn đảm bảo an toàn dinh dưỡng cho bữa ăn, mọi người nên cẩn trọng ngay từ khâu lựa chọn thực phẩm tươi ngon và chế biến đúng cách.

Cách chọn thịt lợn tươi ngon, an toàn

Màu sắc và mùi thịt

Khi chọn mua thịt lợn, người tiêu dùng nên chú ý đến màu sắc và mùi hương của thịt. Thịt lợn đạt chất lượng thường có màu từ hồng nhạt đến đỏ thẫm, không có mùi ôi thiu. Khi cắt theo chiều dọc, phần thịt bên trong sẽ khô ráo, cơ thịt săn nhẹ, lớp da mềm, mỡ có màu trắng trong hoặc hơi ngà. Thịt không có mùi hôi hay mùi dầu khét.

Khi luộc, nước sẽ trong, có váng mỡ to và ít bọt.

Độ đàn hồi

Thịt lợn tươi mới sẽ có độ đàn hồi tốt. Khi ấn ngón tay vào thịt, nếu thịt không để lại dấu vết sau khi nhấc tay ra, đó là thịt ngon. Ngoài ra, cần quan sát thớ thịt, thịt ngon thường có thớ săn chắc, đều, không nhũn, không rỉ dịch hay chảy nhớt.

Lớp mỡ và thịt

Thịt lợn ngon thường có lớp mỡ dày khoảng 1,5 - 2cm, phần mỡ và nạc dính chặt vào nhau. Nếu lớp mỡ và da dày hơn, điều này cho thấy heo không bị nuôi bằng chất tăng trọng, đảm bảo an toàn khi sử dụng.


Cách sơ chế thịt sạch trước khi nấu

Để có được miếng thịt tươi ngon và đảm bảo vệ sinh, sau khi mua về, bước đầu tiên là rửa thịt nhiều lần với nước sạch. Bạn có thể sử dụng muối để chà xát lên bề mặt thịt hoặc rửa thịt trong nước muối pha loãng, sau đó rửa lại lần nữa bằng nước sạch.

Ngoài ra, một phương pháp hiệu quả khác là ngâm thịt hoặc xương trong nước vo gạo khoảng 1 giờ. Cách này giúp loại bỏ bụi bẩn, máu thừa bám trên bề mặt xương và thịt, đồng thời làm giảm mùi tanh hôi, giúp món ăn thêm phần hấp dẫn.

Bên cạnh đó, có thể ngâm thịt hoặc xương trong nước pha giấm trắng khoảng 15 phút, sau đó rửa sạch và để ráo trước khi chế biến. Giấm không chỉ làm mềm thịt mà còn giúp loại bỏ máu thừa, cải thiện chất lượng và hương vị món ăn.


Tiêu thụ thịt lợn như thế nào để tốt cho sức khỏe?

Việc ăn thịt lợn không phải nguyên nhân trực tiếp gây bệnh, mà vấn đề nằm ở cách chế biến không đúng. Để thịt lợn trở thành thực phẩm tốt cho sức khỏe, hãy lưu ý các điểm sau:

Kiểm soát lượng thịt tiêu thụ

Các khuyến nghị dinh dưỡng cho biết nên kiểm soát lượng thịt gia súc và gia cầm, bao gồm cả thịt lợn, trong khoảng 40-75g mỗi ngày. Nếu bạn thích ăn gan, chẳng hạn như gan heo, chỉ nên dùng 2-3 lần mỗi tháng, với khoảng 25g mỗi lần.

Chú ý phương pháp chế biến

Hạn chế các cách chế biến thịt như nướng, quay, rán ở nhiệt độ cao. Thay vào đó, nấu ở nhiệt độ thấp sẽ giúp đảm bảo an toàn thực phẩm và giữ lại nhiều dưỡng chất hơn.

Kết hợp thịt với rau

Khi chế biến thịt lợn, hãy kết hợp với các loại rau giàu vitamin C như cải xanh, ớt chuông, mướp đắng. Sự kết hợp này giúp tăng khả năng hấp thu sắt và cân bằng dinh dưỡng, đồng thời tránh tiêu thụ quá nhiều thịt.

Hạn chế thịt chế biến sẵn

Các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội chứa nhiều muối và các chất gây ung thư như hydrocarbon thơm đa vòng, nitrosamine, được tạo ra trong quá trình sản xuất. Hơn nữa, giá trị dinh dưỡng của thịt khi chế biến theo cách này cũng bị giảm đáng kể.

Theo Đời sống Pháp luật


Post a Comment

0 Comments

Ad Code